Trong nhiều thập kỷ, anime với chủ đề đa dạng cùng
cách truyền tải đầy sức hút đã trở thành một văn hoá độc đáo, mạnh mẽ và là món
ăn tinh thần đối với nhiều thế hệ người xem.
Những năm gần đây, sức ảnh hưởng của thể loại này ngày
càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí, nó còn được đánh giá là động lực kinh tế và văn
hoá. Nắm bắt được điều này, nhiều nhãn hàng đã kết hợp với anime để tạo nên nhiều
chiến dịch có sức ảnh hưởng đến khách hàng trẻ, gồm Gen Z.
Sức ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều thập kỷ
Anime là thuật ngữ được sử dụng để chỉ phong cách hoạt
hình đến từ Nhật Bản. Phong cách nghệ thuật gắn liền với anime rất khác biệt và
dễ nhận biết. Đôi mắt to, mái tóc rối bù nhiều màu sắc, chân tay dài… là những
đặc điểm mà những nhân vật anime thường có. Thiết kế phóng đại này cho phép các
nhân vật truyền tải cảm xúc của mình một cách tự do hơn, biểu cảm cường điệu
nhưng duyên dáng, hài hước và không đem lại cảm giác khó chịu. Ngoài ra, cách
các nhà làm phim thu phóng khung hình ấn tượng, sử dụng ánh sáng sống động và
màu sắc rực rỡ đã góp phần tạo nên bầu không khí đầy cảm xúc cho anime.
Sự cường điệu trong hình thể và biểu cảm của nhân vật là một trong những yếu tố tạo nên sức hút độc đáo cho anime
Ngoài vẻ ngoài khác biệt, anime còn được người xem yêu
mến nhờ vào cốt truyện hấp dẫn và chủ đề khai thác đa dạng, phức tạp. Từ những
đề tài thường ngày như tình yêu, các ngành nghề, thể thao đến hành động, giả tưởng
với các yếu tố siêu nhiên,… các bộ phim anime đều đem đến góc nhìn đa chiều và
những thông điệp sâu sắc. Điều này tạo nên sợi dây liên kết cảm xúc mạnh mẽ với
người hâm mộ của thể loại này và thúc đẩy các cộng đồng sôi động, gắn kết,
không chỉ xem nội dung mà còn tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận liên
quan, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu kết nối với họ một cách sâu sắc.
Không dừng lại ở đó, sự đa dạng về nội dung cũng giúp cho anime sở hữu tệp khán
giả lớn và trải dài trên nhiều nhóm nhân khẩu học.
Bắt đầu phổ biến tại Nhật Bản vào thập niên 60 của thế
kỷ trước và lan rộng sức ảnh hưởng ra thế giới từ khoảng những năm 1980, anime
đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với hàng triệu người hâm mộ. Trong những
năm gần đây, anime đang có quỹ đạo phát triển đáng chú ý và tác động lên la bàn
chiến lược của nhiều thương hiệu khi đạt được sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhờ vào sự
phát triển của các nền tảng phát trực tuyến kỹ thuật số.
Những gã khổng lồ phát trực tuyến như Netflix,
Crunchyroll và Hulu đã tích cực mua giấy phép cho các tựa phim hoạt hình nổi tiếng
cũng như tham gia vào sản xuất các bộ anime độc quyền. Năm 2021, Netflix cũng
thông tin rằng hơn một nửa số người đăng ký đã xem nội dung anime trên nền tảng
này.
Nền tảng Netflix sở hữu số lượng anime lớn với đa dạng chủ đề
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của anime cũng được cho là
phần nào ảnh hưởng bởi trào lưu hoài niệm và xu hướng tìm kiếm những điều vui vẻ,
tích cực hoặc liên quan đến bản thân sau đại dịch COVID-19.
Mức độ phổ biến gia tăng rõ rệt ở giới trẻ
và “mảnh đất màu mỡ” cho các thương hiệu
Sự gia tăng mức độ phổ biến của anime đặc biệt rõ rệt ở
Gen Z và Gen Alpha. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 42% nhóm nhân khẩu học này xem
anime hàng tuần. Mối quan tâm của Gen Z đối với anime làm nổi bật sự thay đổi
trong sở thích giải trí của họ và cho thấy cơ hội quan trọng để những người
sáng tạo nội dung và nhà tiếp thị kết nối với phân khúc khán giả có ảnh hưởng này.
Anime đang có sự phát triển đáng chú ý và được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo
Sự phổ biến ngày càng tăng của anime đối với Gen Z được
cho là do sự cộng hưởng văn hóa sâu sắc của nó với các giá trị cốt lõi của nhóm
nhân khẩu học này. Anime tạo nên sự khác biệt bằng cách khám phá vô số chủ đề
trải dài trên nhiều thể loại khác nhau, từ những thử thách của tuổi mới lớn đến
những câu hỏi triết học phức tạp, đồng thời thể hiện một dàn nhân vật đa dạng bất
chấp những khuôn mẫu thông thường. Sự đa dạng trong cách kể chuyện này không chỉ
phản ánh bản chất đa diện của Gen Z mà còn đáp ứng nhu cầu của họ về những câu
chuyện phản ánh phạm vi rộng hơn về trải nghiệm và cảm xúc của con người. (Patches,
2024)
Hiểu được sự gắn kết của Gen Z với anime là rất quan
trọng đối với những người sáng tạo nội dung, nhà tiếp thị và thương hiệu muốn
khai thác nhóm nhân khẩu học năng động và có ảnh hưởng này.
Sự phổ biến ngày càng tăng của anime làm nổi bật nhu cầu tìm kiếm, khẳng định bản sắc cá nhân của Gen Z
Tầm ảnh hưởng của anime vượt xa việc phát trực tuyến,
tác động đến nhiều loại sản phẩm và ngành công nghiệp. Anime đã tạo được dấu ấn
trên nhiều loại sản phẩm, từ truyện tranh, phim, thời trang và phụ kiện đến trò
chơi điện tử, đồ sưu tầm... Tầm ảnh hưởng rộng rãi này là minh chứng cho sức hấp
dẫn linh hoạt của anime và khả năng gây được tiếng vang với người hâm mộ dưới
nhiều hình thức khác nhau. Điều này cung cấp nguồn tài nguyên đa dạng cho các
thương hiệu để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn và thu hút khán giả tương tác.
Cách tiếp cận nhiều mặt này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nội
dung anime mà còn mở ra những con đường mới cho sự mở rộng của ngành, biến
anime trở thành một lực lượng văn hóa và kinh tế quan trọng trên trường toàn cầu.
Nhiều nhãn hàng bắt đầu “vào cuộc”
Sức hấp dẫn của anime đã dẫn tới sự hợp tác độc đáo với
các thương hiệu quốc tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Duolingo đã giới thiệu
các khóa học ngôn ngữ dựa trên anime, Head & Shoulders ra mắt TVC
anime (2021),... Những sự hợp tác này không chỉ giúp củng cố thêm vị thế của
anime trong văn hóa đại chúng mà còn làm nổi bật tiềm năng của nó trong việc
thúc đẩy xu hướng và sự quan tâm của người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác
nhau.
Năm 2024 tiếp tục là một năm chứng kiến sự kết hợp
cùng anime của các nhãn hàng với các hình thức sáng tạo và đa dạng hơn. Những
chiến dịch này tạo được tiếng vang và chứng tỏ sức hút “không thể chối từ” của
anime cũng như khả năng nắm bắt thị trường của các nhãn hàng.
McDonald’s: Sản xuất phim hoạt hình
WcDonald's
Cái tên “WcDonald's” và logo Golden Arches lộn ngược
được các nhà sản xuất anime sử dụng để mô tả McDonald's mà không vi phạm bản
quyền và nó đã xuất hiện trên nhiều manga, anime, trò chơi điện tử,
webtoon,...
WcDonald's cùng logo lộn ngược xuất hiện thường xuyên trong các bộ phim hoạt hình Nhật Bản
Vào ngày 27 tháng 2, McDonald's đã khởi động chiến dịch
tiếp thị lấy cảm hứng từ anime đầu tiên của mình, một câu chuyện hoạt hình diễn
ra trong một thế giới hư cấu có tên “WcDonald's”. Chiến dịch này đã thành công
rực rỡ, ít nhất là về mức độ tương tác, phiên bản tiếng Anh của video giới thiệu
chiến dịch nhanh chóng thu hút hơn 250.000 lượt xem.
Huiwen Tow, người đứng đầu chiến lược APAC của Virtue,
cho biết: “WcDonald's là ví dụ điển hình nhất về cách các thương hiệu có thể
đóng góp cho văn hóa bằng cách tìm ra vai trò có ý nghĩa và đáng tin cậy bên
trong nền văn hóa, thay vì xâm phạm và phá vỡ nó từ bên ngoài”.
Cách tiếp cận sáng tạo khi biến những điều vui nhộn trở
thành một chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, không chỉ thể hiện sự hiểu biết, tôn trọng
đối với văn hoá người hâm mộ mà còn làm phong phú thêm về câu chuyện thương hiệu
và trải nghiệm khách hàng.
PUMA ra mắt bộ sưu tập với sự góp mặt của
các nhân vật One Piece
Phối hợp với One Piece, PUMA đang tung
ra bộ sưu tập giày sneaker hoàn toàn mới. Sự hợp tác này là một phần trong chiến
lược lớn hơn của PUMA nhằm kết nối với Gen Z bằng cách tương tác với cộng đồng
fan anime. Điểm nổi bật của sự hợp tác này là bộ sưu tập giày lấy cảm hứng từ
các nhân vật trong One Piece bao gồm Luffy, Râu Đen, Râu Trắng và Cướp biển Tóc
Đỏ.
Sự hợp tác này bao gồm một loạt các mặt hàng quần áo
như áo hoodie, áo khoác, quần dài và quần short, tất cả đều được thiết kế theo
chủ đề One Piece. Một khía cạnh độc đáo của sự hợp tác này là bao bì của đôi
giày có thiết kế tương tự như bản đồ cướp biển của Grand Line để bổ sung thêm yếu
tố về cuộc phiêu lưu One Piece cho người hâm mộ.
Đây không phải là lần đầu tiên PUMA hợp tác với One
Piece. Vào năm 2019, họ đã phát hành dòng giày sneaker phiên bản giới hạn cho
One Piece Film: Gold. Những sự hợp tác đang diễn ra giữa PUMA và One Piece thể
hiện rõ ràng cách tiếp cận sáng tạo của PUMA trong việc tích hợp anime nổi tiếng
vào các sản phẩm của họ.
Oreo: Kết hợp cùng Pokémon ra mắt phiên bản
giới hạn
Hai thương hiệu mang tính biểu tượng này đã cùng nhau
cho ra mắt gói Pokémon x Oreo phiên bản giới hạn. Mỗi gói sẽ có 16
Pokémon độc đáo như Pikachu, Bulbasaur, Charmander và Squirtle,... Tất cả đều
được in nổi trên chiếc bánh quy cổ điển của Oreo với nhân kem vani.
Cũng giống như trong thế giới Pokémon, một số cookie
Pokémon x Oreo sẽ khó được người sưu tập tìm thấy hơn những cookie khác - một số
bánh Oreo có hình Mew cực kỳ hiếm gặp, một Pokémon thần thoại tâm linh. Trong
thế giới Pokémon, nhìn thấy Mew gần giống như nhìn thấy một con kỳ lân. Và, khi
nghệ thuật mô phỏng cuộc sống, việc tìm kiếm một chiếc bánh quy Mew Oreo cũng
thật kỳ diệu theo cách riêng của nó.
Màn kết hợp này đem lại sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng
người hâm mộ. Trên Instagram, thẻ #pokemonoreos được gắn vào hơn 3.000 bài
đăng, trong đó nhiều người dùng đã khoe những chiếc bánh quy Mew mà họ tìm được.
Cuộc “săn” những chiếc bánh quy có hình Mew căng thẳng đến độ nó hiện đang được
bán lại trên eBay với giá hàng nghìn USD, có người bán chiếc bánh quy này với
giá lên tới 10.000 USD.
OREO và Pokémon đều là những cái tên nhận được sự yêu
thích và đạt được tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới, đặc biệt là thị trường
châu Á. Sự hợp tác lần này được đánh giá là cách tuyệt vời để cả hai thương hiệu
tăng thêm mức độ gắn kết cùng người hâm mộ thông qua những khoảnh khắc vui vẻ,
tích cực cũng như khơi gợi lại những kí ức gắn liền với tuổi thơ của họ.
Nhìn chung, việc ngành công nghiệp anime vươn lên mạnh
mẽ đã và đang mang đến vô vàn cơ hội cho các thương hiệu. Bằng cách hiểu được sức
hấp dẫn độc đáo của thể loại này và theo kịp các xu hướng mới nổi, các thương
hiệu có thể khai thác một thị trường sôi động, hứa hẹn không chỉ có phạm vi tiếp
cận rộng rãi mà còn có sự tương tác sâu sắc, lâu dài với khán giả.
Hà
Duyên – Advertising
Vietnam
0 Nhận xét